Market sentiment, hay tâm lý thị trường là một khái niệm mơ hồ và khó nắm bắt trong thị trường tài chính bởi đám đông mang tính chất hỗn loạn và không tập trung. Do đó, hiểu được tâm lý của những người tham gia thị trường luôn là một yếu tố quan trọng để giao dịch trở nên hiệu quả.
Market sentiment - Tâm lý thị trường là gì?
Market Sentiment là một khái niệm khá phổ biến trong thị trường tài chính. Hiểu theo nghĩa tiếng việt thì Market Sentiment là cảm tính thị trường, hoặc cách gọi tâm lý thị trường cũng đúng với Market Sentiment.
Tâm lý thị trường đại diện cho cảm giác của thị trường tài chính hay của phần lớn trader nói chung tại một thời điểm nhất định. Tâm lý thị trường xuất hiện ở cả thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối. Kết hợp với cảm tính của mỗi trader, các nhà đầu tư sẽ có được những quyết định giao dịch phù hợp với diễn biến tiêu cực hay tích cực của thị trường dựa theo cảm tính đó.
Theo đó, nếu cảm tính thị trường có chiều hướng lạc quan thì nó sẽ được gọi là thị trường tăng trưởng. Ngược lại nếu cảm tính thị trường có xu hướng bi quan thì nó được gọi là thị trường tiêu cực. Trên thực tế, diễn biến của thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví như tin tức chính trị, sự thay đổi về lãi suất của các Ngân hàng Trung ương chẳng hạn. Vậy nên một trader chuyên nghiệp cần trang bị khả năng đọc vị thị trường cùng phương pháp phân tích thị trường đa chiều.
Đi ngược với xu hướng tâm lý chung của thị trường là các nhà đầu tư với những ý kiến trái chiều. Phần đông các nhà đầu tư này hy vọng lật ngược chiều hướng của thị trường và tạo ra xu hướng giá mới. Tuy nhiên, họ cũng có thể thất bại trước chiều hướng tâm lý chung của thị trường và phải chấp nhận theo xu hướng của số đông dù có phần bất mãn.
Tại sao Market sentiment lại quan trọng
Một vài nghiên cứu đã chứng minh rằng xu hướng của thị trường đa phần bị tác động bởi cảm xúc của các nhà đầu tư. Cụ thể là khi bạn mang tâm trạng lo lắng về diễn biến tiếp theo của thị trường, luôn băn khoăn không biết giá sẽ tăng hay giảm vào ngày mai. Chính sự lo lắng này đã ảnh hưởng không nhỏ để quyết định giao dịch của bạn. Theo đó, tâm lý thị trường cũng có những sự thay đổi nhất định.
Bản thân mỗi nhà đầu tư khi bắt đầu giao dịch, trong khi mỗi một sự việc, sự kiện kinh tế xảy ra có bản chất là hợp lý, logic thì sự cảm nhận và kỳ vọng xảy ra đầy chủ quan bởi tư duy nhanh. Mọi người đều mang một nhận định chủ quan về hướng đi của thị trường trong tương lai và khiến cho hành động giá cũng trở nên vô lý theo. Việc nắm bắt tâm lý thị trường thay đổi theo từng ngày, từng giờ, hay từng thời điểm là một công việc rất khó, nhưng cũng là một công việc quan trọng bậc nhất. Khó bởi mỗi thời điểm, mỗi câu chuyện lại mang những kỳ vọng khác nhau. Thậm chí một kịch bản cũng cho thấy nhiều kỳ vọng khác nhau. Quan trọng là ở việc nó quyết định dòng tiền trong thị trường di chuyển như thế nào. Tuy nhiên, việc này không phải là không thể, đôi khi chúng ta còn có thể đoán trước được tâm lý thị trường thông qua các dữ liệu quan trọng ở dòng lệnh (Order Flow) và dòng tiền (Money Flow).
Các trạng thái Market Sentiment quan trọng
Risk aversion/Risk Off
Đây là tâm lý e sợ rủi ro, dòng tiền có xu hướng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro và biến động lớn (như cổ phiếu, tiền mã hóa, …) để tìm về những nơi trú ẩn (trái phiếu, vàng, USD,..). Khi những biến động về chính trị, kỳ vọng về suy thoái kinh tế, tăng trưởng giảm sẽ dẫn đến tâm lý này
Risk Appetite/Risk On
Đây là tâm lý ưa chuộng rủi ro. Đối nghịch với Risk off, tâm lý này dẫn đến khi kỳ vọng về một nền kinh tế tăng trưởng trong tương lai, hoặc phục hồi sau một cơn suy thoái. Tâm lý thoải mái khiến con người có thể tự do và mạo hiểm hơn trong chi tiêu cũng như đầu tư bởi kỳ vọng vào một tương lai “tươi sáng". Dòng tiền sẽ tìm đến các tài sản rủi ro cao như cổ phiếu, tiền mã hóa, tài sản thay thế (Alternative Investment), hay các sản phẩm tín dụng phức tạp.
Inflation On
Đây là tâm lý kỳ vọng về lạm phát tăng. Khi tâm lý này xảy ra, dòng tiền có xu hướng chạy vào những hàng hóa cơ bản, thứ hưởng lợi bởi một môi trường lạm phát tăng. Các loại hàng hóa như quặng (sắt, thép, nhôm..) hay nông sản, năng lượng và trong đó có cả vàng. Nhóm các đồng tiền hàng hóa (CAD, NZD,AUD). Tuy nhiên, trong môi trường lạm phát cao, Inflation on mang ý nghĩa là một tín hiệu tiêu cực và dòng tiền sẽ không tìm đến các tài sản hàng hóa như kể trên.
Inflation Off
Đây là tâm lý về kỳ vọng về lạm phát giảm. Khi tâm lý này xảy ra, dòng tiền sẽ có xu hướng tìm đến các nhóm tài sản mang lại lợi suất. Khi lạm phát giảm, giá trị của đồng tiền tăng lên nhưng nền kinh tế sẽ chịu áp lực. Trạng thái tâm lý này cũng sẽ gần giống với risk aversion. Tuy nhiên trong một môi trường lạm phát chi phối, điều này sẽ là một tín hiệu tích cực và các tài sản rủi ro vẫn sẽ tăng.
Việc nhận biết đúng dạng tâm lý thị trường, trong bối cảnh nào sẽ cho các nhà đầu tư có một cái nhìn khách quan hơn, chắc chắn hơn về kỳ vọng của thị trường thế nào trong tương lai, và thông tin nào, tâm lý nào sẽ được đường giá phản ánh.
Ở phần hai, Golden Fund sẽ chia sẻ về sự luân chuyển nhóm ngành trong thị trường chứng khoán (Sector rotation) và mối quan hệ của nó tới tâm lý thị trường và dòng tiền (Moneyflow).