Giá vàng gần như chắc chắn sẽ đạt mức tăng hàng tháng lớn nhất trong bốn tháng trở lại đây. Giá vàng khởi sắc như vậy là do thị trường kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương lớn có thể sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.
Diễn biến thị trường
Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống $1.956,02/oz, trong khi hợp đồng tương lai vàng của Mỹ giảm 0,3% xuống $1.955,40/oz.
Các kim loại quý khác khả năng cao cũng sẽ đạt mức tăng ấn tượng tính theo tháng, với bạc giao ngay dẫn đầu ở mức tăng 7%, hiện đang ổn định trong ngày ở mức $24,33/oz. Bạch kim giảm 0,3% xuống còn $932,16.
Giá vàng được hỗ trợ nhờ chỉ số PCE lõi khớp với kỳ vọng
Giá vàng dự kiến sẽ tăng khoảng 2% tính theo tháng, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3, do kỳ vọng rằng lãi suất của Mỹ có thể sắp đạt đỉnh.
Dữ liệu được công bố cuối tuần trước - Chỉ số PCE lõi khớp với kỳ vọng (0,2%), cho thấy lạm phát của Mỹ đang tăng với tốc độ chậm nhất trong hơn hai năm, củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất của mình kể từ năm 1980.
Ngoài ra vào tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm thứ Sáu đã đưa ra những tín hiệu sắp chấm dứt chuỗi tăng lãi suất dài nhất và mạnh nhất của mình, do triển vọng của nền kinh tế khu vực đồng Euro đang xấu đi bất chấp lạm phát cao.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 28/7 đã quyết định cho phép lợi suất dài hạn tăng trên mức trần 0,5%, trong bối cảnh các dấu hiệu lạm phát dai dẳng có thể gây áp lực lên ngân hàng trung ương, để tiếp tục chuyển hướng ra khỏi chính sách lãi suất siêu thấp. Động thái này được đánh giá là làm cho chương trình kiểm soát đường cong lợi suất gây tranh cãi của BOJ bớt cứng nhắc hơn.
Phí bảo hiểm vàng của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng do nhu cầu đang tăng lên, trong khi đó, giá vàng giảm đã thúc đẩy lượng mua ở Ấn Độ phục hồi nhẹ.
SPDR Gold Trust, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng nắm giữ của họ đã giảm 0,3% vào cuối tuần trước.