Chắc có lẽ bạn đã từng nghe những chương trình bản tin tài chính nói điều gì liên quan hoặc tương tự như: "Thống đốc Ngân hàng Trung ương có khả năng duy trì quan điểm hawkish khi số liệu kinh tế tỏ ra mạnh mẽ", hay "Bài phát biểu của chủ tịch FED cho thấy tín hiệu "dovish" hơn kỳ vọng"...
Vậy Hawkish và Dovish là gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây!
"Diều hâu" và "Bồ câu"
Các thuật ngữ "Hawkish" và "Dovish" đề cập đến các động thái của NHTW, liệu NHTW có nhiều khả năng sẽ thắt chặt (diều hâu - hawkish) hoặc nới lỏng (bồ câu - dovish) chính sách tiền tệ hay không? Các nhà hoạch định chính sách của NHTW định hướng việc tăng hoặc giảm lãi suất, điều này có tác động đáng kể đến thị trường vàng.
Các nhà hoạch định chính sách tăng lãi suất để ngăn nền kinh tế phát triển quá nóng (ngăn lạm phát tăng quá cao) và giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế phát triển (để ngăn giảm phát và kích thích tăng trưởng GDP).
Các chính sách thắt chặt (hay diều hâu - hawkish) và nới lỏng (hay bồ câu - Dovish) ảnh hưởng đến tỷ giá thông qua cơ chế mà NHTW gọi là "định hướng chính sách". Ở đó các nhà hoạch định chính sách cố gắng minh bạch nhất có thể trong việc công bố thông tin với thị trường về định hướng của chính sách tiền tệ.
Thế nào là hawkish?
Thuật ngữ Hawish (diều hâu) được sử dụng để mô tả quan điểm chính sách tiền tệ thắt chặt. Các lãnh đạo NHTW có thể được gọi là Hawish (phe diều hâu) nếu họ ủng hộ về việc thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất hoặc giảm bảng cân đối của NHTW. Lập trường chính sách tiền tệ được gọi là hawish (diều hâu) nếu dự báo tăng lãi suất trong tương lai hoặc có quan điểm tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế và kỳ vọng lạm phát sẽ gia tăng.
Đồng tiền có xu hướng biến động mạnh khi lãnh đạo NHTW chuyển quan điểm từ dovish sang hawkish hoặc ngược lại. Ví dụ như, nếu một lãnh đạo NHTW gần đây tỏ ra ủng hộ quan điểm dovish, tuyên bố rằng nền kinh tế vẫn cần kích thích và trong một bài phát biểu khác, tuyên bố rằng họ đã thấy áp lực khi lạm phát gia tăng và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bạn có thể thấy đồng tiền quốc gia này tăng giá so với các loại tiền tệ khác. Một số đặc điểm có thể được sử dụng để mô tả quan điểm hawkish (chính sách tiền tệ thắt chặt) bao gồm:
- Tăng trưởng kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ
- Lạm phát ngày càng tăng
- Giảm bảng cân đối kế toán
- Thắt chặt chính sách tiền tệ
- Lãi suất tăng.
Vậy còn dovish ?
Dovish đề cập đến điều ngược lại. Khi NHTW nói về việc giảm lãi suất hoặc tăng nới lỏng định lượng để kích thích nền kinh tế, họ được cho thiên hướng dovish. Nếu lãnh đạo NHTW tỏ ra bi quan về tăng trưởng kinh tế và kỳ vọng lạm phát sẽ giảm hoặc giảm phát và họ báo hiệu điều này cho thị trường thông qua các dự báo hoặc định hướng chính sách, khi đó được cho là phe dovish.
Một số đặc điểm có thể được sử dụng để mô tả quan điểm dovish (chính sách tiền tệ nới lỏng), bao gồm:
- Tăng trưởng kinh tế chậm
- Lạm phát giảm/giảm phát
- Tăng bảng cân đối kế toán
- Chính sách tiền tệ nới lỏng
- Giảm lãi suất
Giao dịch với quan điểm Hawkish và Dovish thế nào ?
Chỉ một sự thay đổi nhỏ trong quan điểm từ một lãnh đạo NHTW có thể gây ra những biến động lớn đối với tiền tệ của quốc gia đó. Các nhà giao dịch cần thường xuyên theo dõi các cuộc họp và biên bản của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) để phát hiện những thay đổi nhỏ trong quan điểm mà có thể đề xuất việc tăng hoặc giảm lãi suất, và cố gắng tận dụng những thông tin này.
Hình ảnh trên cho thấy lập trường chính sách tiền tệ của các NHTW tại cùng một thời điểm là khác nhau. Khi lập trường chính sách tiền tệ của các NHTW di chuyển nghiêng về phía bên trái hình vẽ (dovish), đồng tiền của quốc gia đó có thể giảm giá so với các loại tiền tệ khác. Nếu lập trường chính sách tiền tệ nghiêng về bên phải (Hawkish), đồng tiền của quốc gia đó có thể tăng giá.
Đối với vàng, NHTW mà chúng ta cần quan tâm lớn nhất là FED và diễn biến của đồng USD. Khi ngân hàng này thể hiện động thái Hawkish, thị trường sẽ kỳ vọng vào một đồng USD mạnh hơn bởi lãi suất cao hơn, do đó mà vàng sẽ chịu áp lực, ngược lại, khi NHTW duy trì quan điểm dovish, vàng tăng giá.
Một trong những chỉ báo quan trọng nhất thể hiện thái độ Dovish hay hawkish của FED chính là biểu đồ Dot - plot. Biểu đồ này thể hiện được kỳ vọng lãi suất mục tiêu của các thành viên FED. Trong trường hợp biểu đồ Dot - plot dốc lên, điều này thể hiện rằng có nhiều thành viên FED kỳ vọng lãi suất sẽ tăng thêm và đây là quan điểm Hawkish bởi FED. do đó mà vàng có thể giảm mạnh.
Hy vọng qua bài viết này, các bạn có thể hiểu rõ được sự khác nhau giữa hawkish và dovish và có những chiến lược giao dịch hợp lý.