Dữ liệu kinh tế tuần
Phiên giao dịch cuối tuần đã khép lại với sự ổn định của giá vàng sau một đợt tăng mạnh trước đó, nhờ sự hỗ trợ từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và đồng USD suy yếu. Sự kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ xoay trục chính sách trong cuộc họp tháng 9 đã tăng lên, khiến đồng USD giảm giá 0,1%, từ đó tăng sức hấp dẫn của vàng đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác. Đồng thời, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm, góp phần hỗ trợ giá vàng.
Những dữ liệu kinh tế nổi bật của tuần tới bao gồm việc công bố PPI của Mỹ cho tháng 7 vào thứ Ba, tiếp theo là CPI của Mỹ cho tháng 7 vào thứ Tư, doanh số bán lẻ tháng 7 và đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ vào thứ Năm, và số nhà khởi công và giấy phép xây dựng của Mỹ cho tháng 7 vào sáng thứ Sáu... Hiện tại sự chú ý đang dồn về triển vọng cắt giảm lãi suất vào tháng 9 từ FED.
Tổng hợp tác động đến giá vàng
Theo chuyên gia phân tích thị trường Zain Vawda từ MarketPulse của OANDA, triển vọng trung hạn của vàng vẫn tích cực. Ông cho rằng, các đợt điều chỉnh giảm giá sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, khi các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản vẫn đang ủng hộ xu hướng tăng giá vàng. Số liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ, công bố ngày 8-8, đã giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế, từ đó thúc đẩy giá vàng.
Ngoài ra, các bình luận từ quan chức Fed trong tuần này cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất đang gia tăng. Các nhà hoạch định chính sách của Fed ngày càng tự tin rằng lạm phát đang "hạ nhiệt", mở ra cơ hội cho Ngân hàng Trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất trong tương lai. Tuy nhiên, quyết định về quy mô và thời điểm cắt giảm lãi suất sẽ dựa trên dữ liệu kinh tế, chứ không phải dựa trên tình hình thị trường chứng khoán.
Thị trường hiện đang chờ đợi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới, để có cái nhìn rõ hơn về lộ trình chính sách của Fed.