Trong tuần này, thị trường vàng thế giới chứng kiến ít biến động vào đầu tuần khi giá duy trì quanh mốc 2.500 USD/ounce. Tuy nhiên, vào ngày 12-9, kim loại quý này bất ngờ tăng mạnh lên mốc kỷ lục mới khi thị trường đón nhận một số báo cáo quan trọng. Dữ liệu mới nhất tiếp tục cho thấy, những vết nứt trong nền kinh tế Mỹ đã làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay cắt giảm lãi suất. Trong phiên giao dịch cuối của tuần, giá vàng tiếp đà tăng vững chắc lên mốc kỷ lục mới nhờ sự suy yếu của đồng USD trong bối cảnh sự lạc quan về quyết định xoay trục chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ ngày càng tăng. Kết thúc tuần, giá vàng giao ngay neo ở mức 2.578,7 USD/ounce, tăng 80,5 USD/ounce so với mức chốt phiên tuần trước.
Sau đợt tăng giá mạnh mẽ vào thứ Sáu, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, kim loại quý này có thể sẽ phải đối mặt với áp lực chốt lời trong ngắn hạn. Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng đây vẫn có thể là khởi đầu của một đợt tăng giá mạnh hơn của kim loại quý này.
Tổng hợp tác động đến giá vàng:
Ole Hansen, Trưởng phòng chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo, mô tả đợt tăng giá này như một chiếc lò xo bị ép cuối cùng đã bật ra. Ông nói thêm rằng, các dữ liệu kinh tế vừa qua đều củng cố cho khả năng cắt giảm lãi suất, không chỉ riêng Fed mà nhiều ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu.
Nhiều nhà phân tích lưu ý rằng, lợi suất thực toàn cầu giảm khi các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất sẽ tạo động lực đáng kể cho vàng.
Giám đốc danh mục đầu tư và chiến lược gia thị trường Colin Cieszynski của SIA Wealth Management dự báo giá vàng sẽ tăng cao hơn trong những tháng tới. Tuy nhiên, ông cảnh báo về những biến động trên thị trường vào tuần tới và thị trường trước tiên phải vượt qua biến động đó.
Theo Cieszynski, đây mới chỉ là khởi đầu của một chu kỳ nới lỏng toàn cầu và vàng sẽ tăng so với tất cả các loại tiền tệ chính. Mặc dù vậy, chuyên gia này vẫn đang tỏ ra thận trọng và cho rằng ông chưa sẵn sàng theo đuổi sự đột phá này. Ông giải thích rằng vẫn còn quá nhiều bất ổn xung quanh quyết định chính sách tiền tệ sắp tới của Fed. Cụ thể, thị trường hiện đang dự báo khoảng 43% khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ quyết định mức cắt giảm 50 điểm cơ bản vào tuần tới. Cieszynski lưu ý rằng, nếu Fed lựa chọn cắt giảm 25 điểm cơ bản, giá vàng sẽ có nguy cơ chịu một số áp lực bán. Các nhà kinh tế gọi quyết định sắp tới là trò "may rủi".
Tuy nhiên, nhìn về trung hạn, Cieszynski nói rằng, bất kể kết quả của tuần tới thế nào, giá vàng vẫn sẽ tăng trong những tháng tới.
Phillip Strieble, chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures dự báo, vàng có thể sẽ chứng kiến một số áp lực bán vào tuần tới. Chuyên gia này cho rằng, thị trường đang quá lạc quan rằng Fed sẽ mạnh tay trong lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2020 này.
Theo Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư của Zaye Capital Markets, thị trường vàng sẽ chứng kiến biến động lớn vào tuần tới. Aslam nói rằng, nếu Fed trở nên ôn hòa, vàng có thể tăng vọt khi thị trường bắt đầu định giá cho các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo. Ngược lại, nếu Fed tiếp tục lập trường “diều hâu”, giá kim loại quý này có thể “lao dốc” không phanh. “Dù thế nào đi nữa, đó sẽ là một chuyến tàu lượn siêu tốc, hãy thắt dây an toàn và giữ bình tĩnh!” Aslam nói.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao James Stanley của Forex.com cũng duy trì sự lạc quan về vàng, nhưng ông không khuyến khích giới đầu tư theo đuổi thị trường ở mức hiện tại.
Ngoài diễn biến cuộc họp chính sách tiền tệ cùng quyết định lãi suất của Fed, các dữ liệu kinh tế quan trọng tuần tới cũng được dự báo sẽ có tác động đến hướng đi của vàng. Cụ thể, thị trường sẽ đón chờ dữ liệu sản xuất khu vực, dữ liệu thị trường nhà ở và số liệu bán lẻ.
Sau cuộc họp về chính sách tiền tệ của Fed, Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Nhật Bản cũng sẽ là các ngân hàng tiếp theo công bố quyết định về chính sách tiền tệ của mình.