Trong tuần này, thị trường vàng thế giới chứng kiến nhiều biến động với giá liên tiếp tăng - giảm với biên độ lớn. Đặc biệt, sau Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định mạnh tay cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản sau nhiều năm, giá vàng tăng mạnh và liên tiếp “xô đổ” kỷ lục. Trong phiên giao dịch cuối của tuần, vàng chính thức cán mốc 2.600 USD/ounce. Kết thúc tuần, giá vàng neo ở mức 2.622,4 USD/ounce, tăng 43,7 USD so với mức chốt phiên tuần trước.
Sau một thời gian dài chờ đợi, Ngân hàng Trung ương Mỹ cuối cùng đã quyết định xoay trục chính sách sau khi xem xét các yếu tố lạm phát, tăng trưởng, việc làm cùng các rủi ro. Theo một số chuyên gia, việc Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng có thể thúc đẩy đà tăng của vàng trong những tuần tới và suốt thời gian còn lại của năm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, đà tăng của kim loại quý này có thể sẽ bị hạn chế bởi phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo ngay sau khi cuộc họp chính sách tháng 9 kết thúc. Theo đó, ông Powell nhấn mạnh rằng, Ngân hàng Trung ương Mỹ không vội vàng trong việc hạ lãi suất và nói thêm rằng Fed đang trong quá trình “điều chỉnh” chính sách tiền tệ của mình.
Tổng hợp tác động đến giá vàng:
Mặc dù vàng vẫn trong xu hướng tăng kỹ thuật mạnh mẽ, nhưng theo chuyên gia phân tích thị trường Fawad Razaqzada của StoneX Group, các nhà đầu tư nên chuẩn bị để chứng kiến một số biến động trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng giá thấp hơn sẽ là cơ hội mua dài hạn cho giới đầu tư.
Razaqzada nói rằng, thị trường vàng có thể sẽ chứng kiến một số đợt chốt lời trong tương lai không xa và kim loại này chưa thể chạm được mốc 3.000 USD/ounce trong năm nay. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì triển vọng lạc quan đối với vàng trong dài hạn bởi nhiều lý do, trong đó kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn như Fed sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm lãi suất, lo ngại căng thẳng địa chính trị đang diễn ra và hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ cung cấp lực đẩy cho kim loại quý này.
Nhà kinh tế độc lập và chuyên gia thị trường hàng hóa Patricia Mohr cho rằng, sau quyết định nhằm đảm bảo “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế đầu tàu thế giới của Fed, các ngân hàng trung ương khác có thể sẽ "nối gót" đưa ra quyết định xoay trục chính sách, điều này sẽ giúp thúc đẩy điều kiện kinh tế và nhu cầu về kim loại.
Mặc dù vậy, theo một số nhà phân tích, rủi ro giảm giá đối với kim loại màu vàng đang gia tăng. Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Alex Kuptsikevich của FxPro cho rằng, việc sức mua cạn kiệt có thể dẫn đến một đợt điều chỉnh mạnh trong thời gian tới.