Các nghị sĩ cực hữu và cánh tả liên minh chống lại Barnier. Thị trường tài chính Pháp đang phải chịu những biến động do tình hình chính trị bất ổn. Ngân sách năm tới là vấn đề đáng quan tâm nhất lúc này.
Chính phủ Pháp sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Ngày 4/12, theo giờ địa phương, các nghị sĩ Quốc hội Pháp đã lật đổ chính phủ, đẩy cường quốc kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hơn, đe dọa khả năng lập pháp và kiểm soát thâm hụt ngân sách khổng lồ của nước này. Các nghị sĩ cực hữu và cánh tả đã liên minh ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Michel Barnier và chính phủ của ông, với 331 phiếu thuận vượt qua đa số cần thiết là 288 phiếu. Barnier cùng với toàn bộ nội các của mình hiện phải nộp đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron, khiến ông trở thành thủ tướng Pháp có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử, chỉ vài tháng.
Cả hai phe cực hữu và cánh tả đã chỉ trích ông Barnier vì lạm dụng các quyền lực hiến pháp đặc biệt để thông qua một phần ngân sách gây tranh cãi mà không cần bỏ phiếu tại quốc hội, nơi chính phủ không nắm được thế đa số. Dự thảo ngân sách này nhằm mục tiêu cắt giảm 60 tỷ euro (63,07 tỷ USD) để thu hẹp thâm hụt tài chính. “Thâm hụt này sẽ không tự biến mất chỉ bằng một cuộc khiển trách” - ông Barnier phát biểu trước các nhà lập pháp, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ chính phủ kế nhiệm nào cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề này.
Tổng thống Macron đã mở đầu cho cuộc khủng hoảng lần này với lời kêu gọi cuộc bầu cử bất ngờ vào tháng 6, dẫn đến một quốc hội phân cực. Khi vị thế của tổng thống suy yếu, Pháp có thể trải qua giai đoạn cuối năm mà không có chính phủ ổn định hoặc kế hoạch ngân sách cụ thể cho năm 2025. Hỗn loạn chính trị ở Pháp sẽ làm suy yếu thêm EU vốn đã lao đao vì sự sụp đổ của chính phủ liên minh ở Đức, trong khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng. Bộ trưởng quốc phòng sắp mãn nhiệm Sebastien Lecornu cảnh báo tình trạng hỗn loạn có thể ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Pháp đối với Ukraine.
>> Xem thêm: Tổng thống Hoa Kỳ và Pháp sắp công bố lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah.
Pháp khó có thể thoát khỏi khủng hoảng chính trị
Bất ổn chính trị ở Pháp làm gia tăng sự lo lắng cho các nhà đầu tư vào trái phiếu chính phủ và cổ phiếu. Đầu tuần này, chi phí vay của Pháp đã vượt qua Hy Lạp, quốc gia vốn được đánh giá là rủi ro hơn nhiều. Điện Elysee cho biết tổng thống sẽ có bài phát biểu trước công chúng vào tối 5/12.
Tổng thống Macron muốn nhanh chóng bổ nhiệm một thủ tướng mới, với một nguồn tin cho biết ông hy vọng sẽ hoàn tất việc này trước lễ khánh thành lại Nhà thờ Đức Bà vào thứ Bảy, sự kiện mà Tổng thống Trump dự kiến sẽ tham dự. Thủ tướng mới chắc chắn cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức giống như ông Barnier khi trình các dự luật, trong đó có vấn đề ngân sách năm 2025, khi quốc hội tiếp tục chia rẽ. Tổng thống Macron có thể yêu cầu ông Barnier và các bộ trưởng của mình tiếp tục giữ chức vụ tạm quyền trong thời gian lựa chọn thủ tướng mới.
>> Xem thêm: Cố vấn của Trump đề xuất Ukraine nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.
Pháp đối mặt với nhiều rủi ro kinh tế
Kể từ khi Tổng thống Macron kêu gọi cuộc bầu cử sớm vào mùa hè, chỉ số chứng khoán chuẩn CAC 40 của Pháp đã giảm gần 10%, trở thành thị trường chứng khoán mất điểm nặng nhất trong số các nền kinh tế hàng đầu Liên minh Châu Âu. Trong khi đó, đồng euro gần như không có phản ứng rõ rệt so với đồng USD, giao dịch quanh mức 1,05 USD/euro, nhưng lại suy yếu so với một số đồng tiền châu Âu khác như franc Thụy Sĩ và bảng Anh.
Dự thảo ngân sách của Barnier đặt mục tiêu giảm thâm hụt tài khóa từ mức 6% GDP dự kiến trong năm nay xuống còn 5% vào năm 2025. Ông từng cảnh báo rằng việc lật đổ chính phủ sẽ là một thảm họa đối với tình hình tài chính quốc gia. Tuy nhiên, Le Pen không mấy quan tâm đến cảnh báo này. Bà tuyên bố rằng đảng của mình sẽ ủng hộ bất kỳ đạo luật khẩn cấp nào nhằm gia hạn các điều khoản thu chi của ngân sách năm 2024 sang năm sau để đảm bảo nguồn tài chính tạm thời cho quốc gia.
>> Xem thêm: Israel và Hezbollah đồng ý lệnh ngừng bắn nhằm hướng tới hòa bình lâu dài.