- Mỹ đã tạm dừng tài trợ cho năm 2024 và 2025, các nguồn tin thương mại cho biết.
- Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO đã bị suy yếu kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.
- Mỹ có thể phải chịu các biện pháp trừng phạt từ WTO.
- Mỹ là nước đóng góp lớn nhất cho ngân sách của WTO.
Hoa Kỳ đã tạm dừng đóng góp cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường nỗ lực cắt giảm chi tiêu chính phủ.
Chính quyền Trump đang rút lui khỏi các tổ chức toàn cầu mà họ xem là đi ngược lại các chính sách kinh tế “America First” (Nước Mỹ Trên Hết) của ông. Họ có kế hoạch rút khỏi một số tổ chức, chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và đã cắt giảm đóng góp cho các tổ chức khác như một phần của việc xem xét rộng rãi chi tiêu liên bang.
WTO đã bị suy yếu bởi động thái của Mỹ vào năm 2019 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump nhằm chặn việc bổ nhiệm thẩm phán mới vào tòa phúc thẩm hàng đầu của tổ chức này, khiến hệ thống giải quyết tranh chấp quan trọng của WTO chỉ hoạt động một phần. Washington đã cáo buộc Cơ quan Phúc thẩm của WTO vượt quá thẩm quyền tư pháp trong các tranh chấp thương mại.
>> Xem thêm: Cố vấn kinh tế Nhà Trắng: "Tăng thuế quan không tác động đáng kể đến kinh tế Mỹ"
Cơ quan giám sát thương mại có trụ sở tại Geneva có ngân sách hàng năm là 205 triệu franc Thụy Sĩ (232,06 triệu đô la Mỹ) vào năm 2024. Hoa Kỳ dự kiến sẽ đóng góp khoảng 11% số tiền đó dựa trên hệ thống phí tương ứng với tỷ trọng thương mại toàn cầu của nước này, theo các tài liệu công khai của WTO.
Một đại diện của Hoa Kỳ đã nói trong cuộc họp ngân sách của WTO vào ngày 4 tháng 3 rằng các khoản thanh toán cho ngân sách năm 2024 và 2025 của họ đang bị tạm dừng để chờ xem xét việc đóng góp cho các tổ chức quốc tế và họ sẽ thông báo cho WTO về kết quả vào một ngày chưa xác định. Tuy nhiên, đây là cuộc họp kín và việc Mỹ tạm dừng tài trợ chưa được công bố chính thức. Nhà Trắng đã từ chối các câu hỏi liên quan sau đó.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết Trump tháng trước đã ký một sắc lệnh hành pháp, chỉ đạo Ngoại trưởng Marco Rubio trong vòng 180 ngày phải xem xét tất cả các tổ chức quốc tế mà Mỹ là thành viên "để xác định xem những tổ chức này có đang đi ngược lại lợi ích của Mỹ hay không".
Phát ngôn viên của WTO Ismaila Dieng cho biết các khoản đóng góp của Mỹ đã được tiến hành nhưng "bị vướng vào việc tạm dừng tất cả các khoản thanh toán cho các cơ quan quốc tế".
"Nói chung, các khoản nợ tồn đọng (khoản nợ chưa thanh toán) có thể ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của WTO. Nhưng WTO tiếp tục quản lý các nguồn lực của mình một cách thận trọng và đã có kế hoạch để có thể hoạt động trong giới hạn tài chính do bất kỳ khoản nợ nào gây ra".
Theo quy tắc của WTO, bất kỳ thành viên nào không thanh toán phí thành viên sau hơn một năm sẽ phải chịu "các biện pháp hành chính" - một loạt các bước trừng phạt tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian phí chưa được thanh toán.
>> Xem thêm: Chính sách thương mại của Trump và bài học từ lịch sử
Phát ngôn viên của WTO Dieng xác nhận chủ tịch ủy ban ngân sách đã thông báo cho các thành viên WTO rằng Hoa Kỳ hiện đang ở "Nhóm 1 nợ đọng", cùng với các quốc gia khác. "Các thành viên WTO vẫn có trách nhiệm thực hiện các hậu quả liên quan đến nợ đọng," ông nói.
Theo tài liệu hạn chế của WTO, tính đến cuối năm 2024, năm quốc gia thành viên khác - Bolivia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Djibouti, Gabon và Gambia - cũng nằm trong nhóm này. Tổng cộng 38,4 triệu franc Thụy Sĩ (khoảng 43,5 triệu đô) tiền đóng góp còn nợ, bao gồm cả phí chưa thanh toán từ năm 2024 trở về trước.