Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) là một trong những dữ liệu quan trọng nhất của nền kinh tế Mỹ có tác động mạnh đến đồng USD cũng như giá vàng. Golden Fund sẽ cùng quý nhà đầu tư tìm hiểu về NFP và vận dụng thông tin này hiệu quả trong đầu tư.
Bảng lương phi nông nghiệp NFP là gì ?
Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) là một chỉ số kinh tế quan trọng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Vì nó biểu thị tổng số lao động được trả lương ở Hoa Kỳ trừ ngành nông nghiệp, nhân viên chính phủ, nhân viên hộ gia đình tư nhân và nhân viên của các tổ chức phi lợi nhuận.
Về cơ bản, bảng lương phi nông nghiệp là chỉ số đo lường những thay đổi trong việc làm. Vì vậy, việc số liệu NFP được công bố thường gây ra những biến động lớn đối với vàng và USD.
Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) là một báo cáo về tình hình kinh tế của Mỹ được thông báo hàng tháng do Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố. Dữ liệu NFP thường được phát hành vào thứ Sáu đầu tiên hàng tháng lúc 8:30 sáng theo giờ Miền Đông (khoảng 19h30 theo giờ Việt Nam).
Tin tức về NFP ảnh hưởng thế nào tới thị trường
Số liệu NFP là một chỉ báo kinh tế rất quan trọng được công bố hàng tháng, cho chúng ta thấy tình trạng hiện tại của nền kinh tế Hoa Kỳ. Dữ liệu do Cục Thống kê Lao động công bố, các nhà giao dịch có thể chủ động theo dõi trên lịch kinh tế.
Số liệu việc làm là một chỉ báo rất quan trọng đối với Cục Dự trữ Liên bang (FED). Khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, các nhà hoạch định chính sách có xu hướng thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng (kích cầu, sử dụng lãi suất thấp). Mục tiêu của chính sách tiền tệ mở rộng là tăng sản lượng kinh tế và thúc đẩy tăng việc làm.
Vì vậy, nếu tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với mức bình thường, nền kinh tế được cho là đang hoạt động dưới mức tiềm năng của nó và các nhà hoạch định chính sách sẽ cố gắng kích thích. Chính sách tiền tệ mở rộng cùng với lãi suất ở mức thấp, giảm nhu cầu đối với đồng dollar (tiền có xu hướng chảy ra khỏi đồng tiền có lãi suất thấp).
Tuy nhiên, tùy thuộc vào mục tiêu của FED mà dữ liệu NFP sẽ có ảnh hưởng mạnh hay yếu. Chẳng hạn, nếu vấn đề chính của FED quan tâm là tối đa hóa việc làm và thị trường lao động, tin tức về việc làm phi nông nghiệp sẽ ảnh hưởng mạnh hơn đối với thị trường. Tuy nhiên, khi FED tập trung vào lạm phát hoặc tăng trưởng kinh tế, dữ liệu về việc làm sẽ có tác động thấp hơn. Tuy nhiên trong phân tích cơ bản, các thông tin kinh tế thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Do đó những thông tin này đều cần được quan tâm sát sao.
Những mục tiêu chính mà FED quan tâm sẽ thường được đưa ra và tiết lộ trong bài phát biểu của chủ tịch FED sau cuộc họp FOMC hoặc trong biên bản cuộc họp FOMC. Trong giao đoạn hiện tại của năm 2022, FED vẫn tiếp tục “chống lạm phát” toàn diện đồng thời chấp nhận đánh đổi đối với một tỷ lệ thất nghiệp cao. Do đó, NFP sẽ ít mang lại những yếu tố bất ngờ hơn.
Giá vàng sẽ biến động thế nào khi NFP được công bố
Số liệu NFP được công bố trong tháng 8 là 528k việc làm mới được tạo ra, vượt mức kỳ vọng của thị trường ở 250k việc làm. Đây là một con số mạnh và nằm ngoài mức độ dự báo. Vàng đã giảm mạnh xuống quanh mốc $1.764/oz do thị trường kỳ vọng vào việc FED có cơ sở để tiếp tục tăng lãi suất mạnh nhằm kiểm soát lạm phát khi thị trường lao động vẫn ổn định và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Hạn chế những rủi ro xoay quanh tin tức NFP
Khi những tin tức được công bố, thị trường thường biến động rất mạnh và khó lường. Do đó, việc giảm khối lượng và giao dịch thận trọng cho đến khi thị trường phản ứng hoàn toàn với tin tức là cách thức giao dịch an toàn nhất. Việc nhận định những số liệu kinh tế vĩ mô đóng vai trò quan trọng để tìm kiếm những tín hiệu về xu hướng sắp tới là một trong những kỹ năng phân tích mà bất kỳ nhà đầu tư nào nên có.
Ngoài số liệu về NFP, các số liệu về lạm phát (PCE, CPI), số liệu về nhu cầu thị trường (Doanh số bán lẻ), các chỉ số dẫn dắt tâm lý (chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ) và số liệu về tăng trưởng kinh tế (GDP) cũng là những tin tức quan trọng mà nhà đầu tư cần theo sát.