Phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc điều trần trước Quốc hội của ông vào tuần trước cho thấy rõ rằng FOMC rất nghiêm túc để đối phó lạm phát - ngay cả khi phải đánh đổi cho một cuộc suy thoái.
Những chỉ trích tới từ chính trường
Vào 20h tối nay theo giờ Việt Nam, diễn đàn thường niên của Ngân hàng trung ương Châu Âu sẽ được khai mạc tại Bồ Đào Nha và diễn ra với nhiều đại diện quan trọng tới từ cả Mỹ, Anh và Châu Âu. Trước những vấn đề cấp bách của nền kinh tế thế giới hiện tại, đây là cuộc họp quan trọng nhằm đưa ra những hướng đi và giải pháp cấp bách đối với cơn “đại hồng thủy” lớn nhất từ trước tới nay đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới - Lạm phát.
Khi các thống đốc của các ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, Châu u và Vương quốc Anh trao đổi quan điểm trước công chúng vào thứ Tư tuần này, những lời cảnh báo đầy tính phàn nàn từ các chính trị gia vẫn đang tiếp tục khiến họ phải chịu thêm những áp lực không chỉ tới từ nền kinh tế mà còn tới từ cả chính trường.
Mới tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã được các nhà lập pháp từ đảng Dân chủ cảnh báo không nên mạo hiểm “đánh cược” trước nguy cơ suy thoái. Đây cũng là thông điệp tương tự mà Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu u Christine Lagarde phải lắng nghe tại Brussels. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh do Thống đốc Andrew Bailey lãnh đạo, gần đây lại bị cáo buộc là không hành động và “bình thản” trước lạm phát.
Bộ ba nhà lãnh đạo sẽ xuất hiện cùng nhau tại cuộc họp thường niên của ECB ở Sintra - Bồ Đào nha khi mà mỗi người trong số họ đều đang làm hết khả năng để ổn định lại mặt bằng giá cả. Mọi động thái của họ đều có nguy cơ tác động đến các cử tri, vốn là một điều “không mấy vui vẻ” với các chính trị gia, những người cũng đang ngồi trên đống lửa không kém họ khi mà cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới đây sắp diễn ra.
Sự đánh đổi giữa việc dập tắt lạm phát và bỏ qua tăng trưởng đang là tâm điểm chú ý của thị trường hiện tại và có thể sẽ là một chủ đề lặp lại tại cuộc họp của ECB. Cuộc họp sẽ tập trung thảo luận về chủ đề “những thách thức đối với chính sách tiền tệ trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng”.
Đánh đổi hay không đánh đổi?
“Khoảng cách giữa mọi chính sách tiền tệ và ảnh hưởng tới nền kinh tế thực thường có một độ trễ dài và nhiều ẩn số. Đỉnh điểm ảnh hưởng của lộ trình tăng lãi suất của FED được ước tính vào nửa sau của năm 2023, thời điểm xảy ra suy thoái ”. Anna Wong, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics cho biết.
“Đánh đổi hay không đánh đổi “ sẽ là một câu hỏi mà rất khó để trả lời ở thời điểm hiện tại, thời điểm mà những ẩn số tiếp tục còn tồn tại tới từ tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và cuộc chiến tại Ukraine. Mặc dù nhiều chỉ số chứng khoán đã phục hồi trở lại sau một chuỗi thời gian đầy bi quan và tiêu cực, báo hiệu kỳ vọng của thị trường về việc lạm phát đã lập đỉnh, tuy nhiên vẫn sẽ tiếp tục cần nhiều hơn nữa những bằng chứng thực tế từ các dữ liệu khác để xác nhận cho sự kỳ vọng này.
Tỷ lệ tăng lãi suất của FED cũng đang được kỳ vọng giảm xuống, do đó bất kỳ động thái “ôn hòa” hoặc “trung lập” nào tới từ ông Powell cũng có thể sẽ khiến đồng USD sụt giảm mạnh. Thị trường cũng đang tiếp tục chờ đợi về hai số liệu quan trọng trong tuần này là chỉ số PCE và chỉ số ISM sản xuất sẽ được công bố tới đây.
Đi đến được “một tiếng nói chung” sẽ là mục tiêu lớn nhất của diễn đàn lần này khi mà mỗi quốc gia đều đang gặp phải những vấn đề nhức nhối riêng. Lạm phát sẽ tiếp tục là mục tiêu mà ông Powell quan tâm hàng đầu, nhưng nếu ông Bailey lại cho thấy động thái “sẽ không đánh đổi tăng trưởng của Anh để phòng chống lạm phát.” , đây sẽ là một quan điểm vô cùng trái chiều và ảnh hưởng lớn tới thị trường.
Giá vàng cũng đã có rất nhiều biến động khó lường trong giai đoạn gần đây khi mà những định hướng chính sách từ các bên vẫn còn nhiều bất đồng và thiếu tính nhất quán. Thị trường sẽ cần đáp án cho câu hỏi “lạm phát liệu đã lập đỉnh hay chưa?” tới từ những con số sắp được công bố.
Theo dõi Golden Fund để có tin tức cập nhật thị trường mới nhất!