Biểu đồ dot plot của Fed thể hiện dự báo lãi suất của từng quan chức Fed theo quý, giúp thị trường nắm bắt định hướng chính sách tiền tệ và giảm thiểu bất ngờ từ quyết định của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng nắm rõ dot plot là gì và cách đọc biểu đồ dot plot sao cho chính xác và hiệu quả.
Biểu đồ dot plot là gì?
Biểu đồ dot plot của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là một biểu đồ được công bố hàng quý, thể hiện kỳ vọng của từng thành viên trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) về mức lãi suất trong những năm tới.
Điều này quan trọng vì Fed thiết lập mức lãi suất tham chiếu cho cả nền kinh tế Mỹ – gọi là lãi suất quỹ liên bang (federal funds rate). Các mức lãi suất cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến mức lãi suất này.
Fed sử dụng lãi suất quỹ liên bang như một công cụ để thực hiện “nhiệm vụ kép”: giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhưng ổn định. Tăng lãi suất có xu hướng làm nguội nền kinh tế, giúp hạ nhiệt lạm phát nhưng có nguy cơ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Ngược lại, giảm lãi suất sẽ kích thích đầu tư và tiêu dùng, giúp giảm thất nghiệp nhưng có thể đẩy lạm phát tăng cao. Đây là một quá trình cân bằng tinh tế.
Để công chúng hiểu được định hướng của mình, Fed công bố biểu đồ dot plot hàng quý, trong Báo cáo Dự báo Kinh tế (Summary of Economic Projections – SEP), đi kèm với các cuộc họp tháng 3, 6, 9 và 12 của FOMC. Bạn có thể tự xem biểu đồ này bằng cách truy cập trang lịch họp của FOMC và tải về phần "projection materials" (tài liệu dự báo).
Tại sao biểu đồ dot plot quan trọng?
Trước năm 1997, thị trường thường bị bất ngờ bởi các quyết định về lãi suất. Chỉ từ tháng 8/1997, Fed mới công khai rằng họ sử dụng lãi suất mục tiêu như công cụ chính sách tiền tệ. Kể từ đó, Fed ngày càng minh bạch hơn.
Từ năm 2012, Fed chính thức công bố dot plot nhằm tăng cường minh bạch, giúp thị trường hiểu rõ định hướng chính sách, giảm thiểu bất ngờ. Ngày nay, thị trường theo dõi sát sao dot plot để “giải mã” các tín hiệu lãi suất trong tương lai – và hiếm khi bị bất ngờ.
Cách đọc biểu đồ dot plot của Fed
Cách đọc biểu đồ dot plot:
-
Trục tung (Y): thể hiện mức phần trăm mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang.
-
Trục hoành (X): thể hiện ba năm – năm hiện tại và hai năm tiếp theo – cùng với “giai đoạn dài hạn” (longer run). Mỗi cột thể hiện dự báo cho đến cuối năm đó. Cột “longer run” phản ánh mức lãi suất trung lập – mức được cho là không thúc đẩy cũng không làm chậm nền kinh tế.
-
Các dấu chấm (dots): Mỗi dấu chấm đại diện cho kỳ vọng của một thành viên FOMC. Ví dụ, nếu một thành viên cho rằng mức lãi suất mục tiêu cuối năm là 4,25–4,50%, chấm sẽ được đặt giữa hai mức đó.
Cách diễn giải dot plot
Khi quan sát biểu đồ, bạn nên để ý:
-
Xu hướng (Trends): Biểu đồ cho thấy các nhà hoạch định chính sách dự đoán lãi suất sẽ tăng hay giảm trong tương lai.
-
Cụm chấm (Clusters): Dù có vài quan điểm lệch chuẩn, nơi các dấu chấm tụ lại nhiều cho thấy mức độ đồng thuận giữa các thành viên.
-
So sánh giữa các kỳ (Shifts over time): So sánh các biểu đồ dot plot qua các quý sẽ cho bạn biết tâm lý của Fed đang thay đổi như thế nào – ví dụ giữa tháng 12/2024 và tháng 3/2025, các chấm có thể di chuyển, nhưng mức trung vị có thể không thay đổi.
Biểu đồ dot plot thay đổi nhiều không?
Biểu đồ dot plot thể hiện ước tính hiện tại của các thành viên Fed về lãi suất trong tương lai – do đó nó hoàn toàn có thể thay đổi khi tình hình kinh tế thay đổi và dữ liệu mới được cập nhật.
Ví dụ, biểu đồ dot plot cho tháng 12/2024 đã thay đổi đáng kể trong 2 năm trước đó. Sau khi Fed bắt đầu nâng lãi suất từ tháng 3/2022 để chống lạm phát, dự báo về lãi suất tương lai cũng tăng nhanh chóng, sau đó chững lại từ cuối năm 2023.
Lý do khiến dot plot lại thay đổi?
Dot plot thay đổi do các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh kỳ vọng về mức lãi suất cần thiết để giữ lạm phát thấp và thất nghiệp ở mức phù hợp. Họ theo dõi các chỉ số kinh tế chính, gồm:
-
Tăng trưởng GDP thực: đo tốc độ tăng trưởng kinh tế sau khi đã loại trừ ảnh hưởng của lạm phát.
-
Tỷ lệ thất nghiệp: không có mục tiêu cố định, nhưng là thước đo sức khỏe nền kinh tế.
-
Chỉ số PCE (Chi tiêu tiêu dùng cá nhân): đo lường lạm phát dựa trên hành vi tiêu dùng thực tế – khác với CPI chỉ phản ánh giá cả cố định.
-
PCE lõi (Core PCE): loại trừ giá thực phẩm và năng lượng – giúp phản ánh xu hướng lạm phát bền vững hơn.
Trong báo cáo SEP, Fed đưa ra dự báo cho các chỉ số này trong vài năm tới. Khi các chỉ số này thay đổi, kỳ vọng về lãi suất cũng thay đổi theo.
Ví dụ, dự báo cho quý IV/2025 được công bố tháng 12/2024 như sau:
-
Tăng trưởng GDP: từ 1,0% đến 2,4%
-
Tỷ lệ thất nghiệp: từ 4,1% đến 4,6%
-
Lạm phát PCE: từ 2,5% đến 3,4%
-
Lạm phát PCE lõi: từ 2,5% đến 3,5%
Dự báo các năm 2026, 2027 hay các năm tiếp theo bằng biểu đồ dot plot cũng được hiểu theo cách tương tự.
Biểu đồ dot Plot của Fed là một công cụ quan trọng giúp nhà đầu tư và thị trường tài chính dự đoán định hướng chính sách tiền tệ của Mỹ. Dù các quan chức Fed không phải lúc nào cũng dự đoán chính xác tương lai, nhưng nếu bạn biết cách đọc biểu đồ này, bạn sẽ nắm bắt được "suy nghĩ nội bộ" của Fed và chuẩn bị kế hoạch đầu tư hợp lý hơn – đặc biệt là với các tài sản nhạy cảm như vàng, chứng khoán, trái phiếu,...
>> Xem thêm: Giá vàng bùng nổ trước nguy cơ khủng hoảng tài chính tại Mỹ?