GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) là một số liệu rất quan trọng đối với vấn đề kinh tế vĩ mô. Các số liệu GDP được các nhà giao dịch sử dụng như một chỉ số để đánh giá mức tăng trưởng tổng thể và tiềm năng của một quốc gia.
GDP là gì?
Được phát triển vào năm 1934 bởi Simon Kuznets, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đo lường sản lượng trong nền kinh tế của một quốc gia. Thông thường, GDP được đo lường trong ba khoảng thời gian khác nhau: hàng tháng, hàng quý và hàng năm. Điều này cho phép các nhà kinh tế và nhà giao dịch ngoại hối có được một bức tranh chính xác về sức khỏe tổng thể của nền kinh tế.
Có nhiều cách tiếp cận để tính toán GDP, tuy nhiên, Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ sử dụng "Phương pháp tiếp cận Chi tiêu" bằng công thức:
GDP = Tiêu dùng (C) + Đầu tư (I) + Chi tiêu của Chính phủ (G) + (Xuất khẩu (X) - Nhập khẩu (M))
Mối quan hệ của GDP tới thị trường
Nguyên tắc chung khi xem xét dữ liệu GDP Mỹ là xem liệu các số liệu có vượt qua hay thấp hơn ước tính hay không? GDP thấp hơn dự kiến có thể dẫn đến việc đồng USD bị bán và dòng tiền tìm kiếm những kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn.
Chỉ số GDP Mỹ cao hơn dự kiến sẽ có xu hướng củng cố đồng USD và khiến các tài sản khác suy yếu, trong đó có vàng.
Sử dụng GDP trong phân tích và đầu tư vàng
Dữ liệu GDP thường được phát hành vào khoảng bốn tuần sau khi quý kết thúc, trong khi bản phát hành cuối cùng được công bố ba tháng sau khi kết thúc quý. Cả hai đều được phát hành bởi Cục Phân tích Kinh tế (BEA) vào lúc 20:30 Việt Nam (08:30 ET). Thông thường, các nhà đầu tư kì vọng GDP của Mỹ tăng trưởng từ 2.5% đến 3.5% mỗi năm.
Nếu không có lạm phát cao trong một nền kinh tế tăng trưởng vừa phải, lãi suất có thể được duy trì quanh mức 3%. Tuy nhiên, việc trên 6% GDP sẽ cho thấy nền kinh tế Mỹ có nguy cơ tăng quá nóng, do đó có thể gây ra lo ngại lạm phát.
Do đó, Cục Dự trữ Liên bang có thể phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và ‘hãm' nền kinh tế phát triển quá nóng. Duy trì sự ổn định giá cả là một trong những công việc của Cục Dự trữ Liên bang, để làm được điều này, GDP phải nằm trong phạm vi “không quá nóng và không quá lạnh.
GDP không nên quá cao do có thể gây ra lạm phát hoặc quá thấp có thể dẫn đến suy thoái. Suy thoái được xác định bằng hai quý liên tiếp tăng trưởng GDP âm.
Các nhà giao dịch quan tâm nhất đến GDP vì nó là một chỉ báo sức khỏe quan trọng cho nền kinh tế của một quốc gia. Một quốc gia được ‘thưởng' cho GDP cao với giá trị đồng tiền cao hơn. Thường có một kỳ vọng tích cực về việc tăng lãi suất trong tương lai vì các nền kinh tế có xu hướng mạnh lên tạo ra lạm phát cao hơn. Điều này dẫn đến việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất để làm chậm tăng trưởng và để ngăn chặn lạm phát ngày càng tăng. Mặt khác, một quốc gia có GDP yếu sẽ giảm mạnh kỳ vọng tăng lãi suất. Trên thực tế, ngân hàng trung ương của một quốc gia có GDP âm hai quý liên tiếp (định nghĩa của suy thoái kinh tế) thậm chí có thể chọn cách kích thích nền kinh tế của họ bằng cách cắt giảm lãi suất.
GDP và CPI là bộ hai chỉ số quan trọng bậc nhất để đánh giá tình hình nền kinh tế của một quốc gia, do đó mà nắm bắt những tác động liên thị trường của GDP và chuẩn bị sẵn một kế hoạch giao dịch sẽ giúp nhà đầu tư hiểu và đưa ra những quyết định đúng đắn.