Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ điều trần tại Quốc hội vào hôm nay, cập nhật tới các nhà lập pháp về kế hoạch của FED trong cuộc chiến chống lạm phát và mục tiêu tối đa hóa việc làm.
Diễn biến thị trường
Phiên giao dịch thứ Ba đã chứng kiến đà phục hồi của đồng bạc xanh cũng như thị trường chứng khoán Mỹ khi số liệu về doanh số nhà ở tốt hơn dự kiến. Vàng cũng đã có một nhịp giảm tương đối trở lại khu vực $1,828/oz sau khi quỹ SPDR bán ra 1,74 tấn vàng trong ngày hôm qua. Thị trường vẫn đang tiếp tục chờ đợi vào buổi điều trần cũng như các phát biểu quan trọng của thành viên FED trong tuần này.
Những mục tiêu chính
Như các cam kết đã được đưa ra từ trước, FED vẫn đang trong cuộc chiến chống lại lạm phát và hướng tới mục tiêu tối đa hóa việc làm nhằm đứng vững trước nguy cơ suy thoái của nền kinh tế. FED cho biết, cam kết chống lại lạm phát là “vô điều kiện” trong một bối cảnh lạm phát của Hoa Kỳ đang ở mức cao nhất trong 40 năm và tăng ở tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5 năm 1981.
Vào thứ tư tuần trước, FED đã buộc phải tăng lãi suất lên 0,75% trong một hoàn cảnh “không mong muốn”. Tuy nhiên, FED cũng tiết lộ rằng sẽ tiếp tục tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn trong tương lai, khi mà cuộc chiến ở Ukraine và tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đang đè nặng lên người tiêu dùng và giá cả.
Trong khi đó, giới đầu tư đang ngày một lo ngại với cụm từ “suy thoái”. Trong một nghiên cứu gần đây của Bloomberg Economics, xác suất xảy ra suy thoái đối với nền kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm 2022 lên tới 75%. Phố Wall đang lo ngại rằng lộ trình tăng lãi suất quyết liệt từ FED sẽ gây tổn thương tới nền kinh tế vốn đã tăng trưởng chậm lại kể từ đầu năm 2022. Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn giảm mạnh và điều này có thể khiến Powell bị thúc ép thêm về cách FED có thể kiềm chế lạm phát mà không gây ra quá nhiều biến động trong nền kinh tế và thị trường.
Việc sử dụng cụm từ "vô điều kiện" của báo cáo cho thấy rằng FED đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro suy thoái để tránh những gì họ coi là một tình huống tồi tệ hơn khi lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát và trở nên “lì lợm”.
Doanh số nhà đất đạt mức thấp nhất trong vòng bốn tháng - tín hiệu của suy thoái?
Doanh số bán nhà đất tại Mỹ đã giảm trong suốt 4 tháng - theo báo cáo của tháng 5. Mức giảm này đạt mức thấp nhất trong gần 2 năm và điều này nhấn mạnh rằng, giá cả cao và tỷ lệ thế chấp tăng mạnh đã kìm hãm nhu cầu nhà ở vốn không hề suy yếu, và dẫn đến hệ quả người tiêu dùng có nhu cầu nhưng vẫn không mua được nhà đất.
Số liệu của Hiệp hội Môi giới Quốc gia giảm 3,4% trong tháng 5 so với tháng trước, xuống còn 5,41 triệu, mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2020. Trong khi dự báo trung bình trong một cuộc khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế là 5,4 triệu.
Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất một cách mạnh mẽ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát nhanh nhất trong 4 thập kỷ. Điều đó đã khiến lãi suất thế chấp tăng lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2008. Đồng thời, giá nhà tiếp tục tăng, làm giảm khả năng chi trả cho những người mua tiềm năng trên khắp cả nước.
Lawrence Yun - Nhà kinh tế trưởng của NAR, từng cho biết: “Doanh số bán hàng sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới do những thách thức về khả năng chi trả nhà ở bởi lãi suất thế chấp tăng mạnh trong năm nay. Tuy nhiên, những căn nhà có giá cả phù hợp đang được bán nhanh chóng và lượng hàng tồn kho vẫn đang tăng lên đáng kể - gần như gấp đôi - nhằm hạ nhiệt việc tăng giá nhà và cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho người mua nhà.”
Trước vô vàn thách thức khó khăn, liệu rằng ông Powell có tiếp tục được ủng hộ với các chính sách của mình và một bối cảnh suy thoái, thứ đáng sợ đối với không chỉ giới đầu tư mà còn cả những người tiêu dùng của Mỹ. Cùng với phiên điều trần, các phát biểu của các thành viên FED cũng là những tâm điểm của thị trường trong tuần này và có thể sẽ ảnh hưởng mạnh tới USD cũng như giá vàng.
Golden Fund sẽ luôn cập nhật những tin tức nhanh nhất về thị trường và giá vàng thế giới.