Hoạt động sản xuất của Hoa Kỳ chậm lại hơn dự kiến trong tháng 6 khi số lượng các đơn đặt hàng mới được ký hợp đồng lần đầu tiên thấp nhất trong hai năm qua. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang “hạ nhiệt” dưới mức có thể chấp nhận trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chỉ số ISM gây tâm lý tiêu cực
Cuộc khảo sát từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) hôm thứ Sáu cũng cho thấy thước đo về việc ký hợp đồng lao động trong nhà máy giảm trong tháng thứ hai liên tiếp, mặc dù phần lớn các công ty cho biết họ vẫn đang tuyển dụng.
Sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất kéo theo tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng vừa phải trong tháng 5 cùng với việc khởi công xây dựng, giấy phép xây dựng và sản xuất nhà máy cũng đồng loạt giảm theo. Một số nhà kinh tế dự đoán rằng nền kinh tế sẽ thu hẹp trong quý hai sau sự sụt giảm tổng sản phẩm quốc nội trong ba tháng đầu năm. Một sự sụt giảm của GDP mặc dù chưa phải là tín hiệu cho thấy một cuộc suy thoái, nhưng khi nền kinh tế thiếu hụt lao động là một tín hiệu đáng báo động.
Ben Ayers - nhà kinh tế cấp cao tại Nationwide ở Columbus, Ohio cho biết: “Điều này không cho thấy rằng suy thoái đang đến, nhưng điều kiện tăng trưởng đang tiếp tục giảm tốc trên diện rộng là một phản ứng đối với sự thắt chặt của FED và gây lên áp lực chi phí kéo dài đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp”.
Chỉ số của cuộc khảo sát ISM về hoạt động sản xuất quốc gia đã giảm xuống 53,0 vào tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2020, khi lĩnh vực này đang phục hồi trở lại kể từ mức sụt giảm do COVID-19. Con số này là 56,1 vào tháng Năm. Chỉ số sẽ cần phải giảm xuống 43,1 để báo hiệu một cuộc suy thoái.
Chỉ số trên 50 cho thấy sự mở rộng trong lĩnh vực sản xuất, chiếm 11,8% nền kinh tế Hoa Kỳ. Các nhà kinh tế do Reuters thăm dò đã dự báo chỉ số này sẽ giảm xuống 54,9.
Góc nhìn từ các chuyên gia cho thấy thực tế không quá tồi tệ
Hoạt động sản xuất của Hoa Kỳ đang phát triển tốt hơn so với châu u và châu Á. Một số hoạt động phản ánh sự chuyển dịch chi tiêu đang trở lại nhóm ngành dịch vụ.
Tất cả sáu ngành sản xuất lớn nhất - máy tính và sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị giao thông, dầu mỏ và sản phẩm than, thực phẩm và sản phẩm hóa chất - đều ghi nhận mức tăng trưởng vừa phải đến mạnh.
Ryan Sweet, nhà kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics ở West Chester, Pennsylvania cho biết: “Chúng ta đang tự nghĩ mình rơi vào suy thoái kinh tế, nhưng thực tế thì không phải vậy”.
Những lo ngại về suy thoái đã được khuếch đại bởi một báo cáo riêng từ Bộ Thương mại hôm thứ Sáu cho thấy chi tiêu xây dựng bất ngờ giảm trong tháng Năm. Trong khi FED Atlanta đã hạ triển vọng GDP quý II của mình cho thấy sự suy giảm, Goldman Sachs nhận thấy nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm 1,9%. GDP giảm 1,6% trong quý đầu tiên.
Tháng trước, FED đã tăng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994 nhằm “dập tắt” lạm phát cao kỷ lục. Một đợt tăng lãi suất khác có quy mô tương tự dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Bảy. Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã tăng lãi suất qua đêm chuẩn lên 150 điểm cơ bản kể từ tháng Ba.
Cổ phiếu trên Phố Wall đã giao dịch thấp hơn vào thứ Sáu. Đồng USD cũng đã tăng so với rổ tiền tệ trong khi giá trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ tăng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ tiếp tục suy giảm, trong khi đồng USD vẫn mạnh báo rằng ảnh hưởng của USD trong ngắn hạn đến từ tâm lý tiêu cực của thị trường và đặc tính trú ẩn rủi ro của đồng USD. Lợi suất giảm báo hiệu một tình hình không quá khả quan về triển vọng và đây là điều có thể dẫn dắt USD giảm trong trung hạn và hỗ trợ cho vàng. Tuy nhiên, tâm điểm của tuần này là cuộc họp FOMC tháng 7 và là thời điểm công bố về lần tăng lãi suất tiếp theo của FED.