Chỉ số DXY là thước đo giá trị của đô la Mỹ so với 6 đồng tiền của các đối tác thương mại quan trọng nhất của Hoa Kỳ.
DXY được hình thành như thế nào
Chỉ số DXY bắt đầu được sử dụng vào năm 1973, ngay sau khi hệ thống bản vị vàng Bretton Woods (một hệ thống ra đời năm 1944, tạo nền móng cho chế độ tỷ giá hối đoái cố định, xây dựng quanh một đồng USD neo với vàng) bị giải thể, với giá trị ban đầu là 100.00.
Trong bối cảnh việc định giá quá cao của USD đã dẫn đến những lo ngại về tỷ giá hối đoái, tổng thống Richard Nixon quyết định tạm thời đình chỉ chế độ bản vị vàng, lúc này các quốc gia khác có thể lựa chọn bất kỳ cách thức trao đổi nào ngoài giá vàng. Năm 1973, nhiều chính phủ nước ngoài đã chọn để tỷ giá hối đoái của họ thả nổi, chấm dứt nhiều thập kỷ thực hiện theo các thỏa thuận trong Bretton Woods.
Chỉ số đô la Mỹ đã biến động trong suốt chiều dài lịch sử của nó, đạt mức cao nhất vào tháng 2 năm 1985 với giá trị 164.72 và thấp nhất vào tháng 3 năm 2008 với giá trị 70.698.
Chỉ số bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô, bao gồm lạm phát/giảm phát của đồng đô la và các đồng bạc trong rổ của công thức, cũng như sự suy thoái và tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia đó.
Cấu phần của rổ tiền tệ chỉ được thay đổi một lần vào năm 1999, khi đồng Euro thay thế nhiều đồng tiền châu u trước đó, như Deutschemark (Đồng Mark Đức). Trong những năm tới, nhiều khả năng các cấu phần trong rổ này sẽ được điều chỉnh khi DXY cố gắng đại diện cho các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ. Không loại trừ khả năng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) và peso Mexico (MXN) sẽ được đưa vào rổ, do Trung Quốc và Mexico là các đối tác thương mại lớn với Hoa Kỳ.
Sử dụng chỉ số DXY trong đầu tư vàng
Nếu DXY đạt giá trị 120, điều này có nghĩa rằng đô la Mỹ đã tăng giá 20% so với rổ tiền tệ. Nói một cách đơn giản, nếu DXY tăng, đồng nghĩa với việc sức mạnh hoặc giá trị của đô la Mỹ tăng so với các loại tiền tệ khác. Ngược lại, nếu DXY ở giá trị 80, có nghĩa là nó đã giảm giá 20%.
Do giá vàng được định giá bằng đồng USD, do đó mà thông thường vàng thường có xu hướng tương quan nghịch đối với USD. Đồng USD mạnh lên thường khiến vàng suy yếu, trong khi đồng USD suy yếu sẽ hỗ trợ cho vàng. Thông thường khi chính sách tiền tệ thắt chặt hoặc tăng trưởng ổn định, USD sẽ được hỗ trợ và vàng giảm. Tuy nhiên khi bối cảnh kinh tế khó khăn, các ngân hàng trung ương cần nới lỏng tiền tệ và USD suy yếu khiến giá vàng tăng
Tuy nhiên, trong một vài giai đoạn, giá vàng cũng có tương quan thuận cùng với chỉ số DXY khi nền kinh tế Mỹ tỏ ra kém hiệu quả hơn so với các nền kinh tế khác khiến dòng tiền cần đi tìm những nơi sinh lời cao hơn thay vì tài sản trú ẩn như vàng cũng như USD. Lúc này, vàng cùng với USD sẽ suy yếu. Ngược lại, khi những rủi ro địa chính trị bất ngờ xảy ra, vàng và USD cũng sẽ cùng tăng mạnh bởi đây là hai tài sản trú ẩn an toàn của giới đầu tư.
Trong giai đoạn từ tháng 8/2021 đến tháng 3/2022, giá vàng tăng cùng chiều với USD khi những rủi ro lớn vẫn còn tồn đọng từ tăng trưởng kinh tế do tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc diễn biến phức tạp và chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã đẩy tâm lý phòng thủ lên cao và vàng cùng với USD đều là nơi trú ẩn an toàn của giới đầu tư.
Việc nắm bắt chỉ số DXY là một yếu tố không thể thiếu trong đầu tư vàng. Do đó đây là chìa khóa để thành công đối với vàng mà bất kỳ nhà đầu tư vàng nào cũng nên nắm rõ.