Tuần qua đã chứng kiến nhiều biến động trên thị trường tài chính với hàng loạt các chỉ số kinh tế quan trọng được công bố, từ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Lãi suất liên bang, Chỉ số giá sản xuất (PPI), Đơn xin trợ cấp thất nghiệp và Chỉ số tâm lý người tiêu dùng.
Trong tuần, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất, đúng như dự báo của thị trường. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ đứng vững ở mức cao nhất 23 năm là 5,25-5,5%/năm.
Thông điệp chính của Fed là lạm phát vẫn còn cao và cần duy trì lập trường chính sách thắt chặt thêm một thời gian nữa. Điều này đồng nghĩa với việc đồng USD còn ở mức cao, giảm bớt sự hưng phấn trên thị trường vàng. Các nhà đầu tư đang nhận định, 64% Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, giảm so với mức 71% dự đoán trước đó.
Giá vàng thế giới tăng trở lại sau một loạt báo cáo kinh tế Mỹ được công bố. Bên cạnh đó nhu cầu mua vàng tăng sau khi giá từ ngưỡng 2.385 USD/ounce về gần 2.300 USD/ounce. Giới đầu tư kỳ vọng vàng có triển vọng tươi sáng về trung và dài hạn do Fed trước sau cũng giảm lãi suất.
Chốt tuần, chỉ số US Dollar Index (DXY) - đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, giao dịch ở mức 105,52 điểm.
Nhìn chung, các dữ liệu kinh tế trong tuần qua cho thấy một bức tranh phức tạp về nền kinh tế Mỹ. Áp lực lạm phát vẫn còn mạnh mẽ, có thể thúc đẩy giá vàng tăng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sự ổn định của thị trường lao động và tâm lý người tiêu dùng cải thiện có thể làm giảm nhu cầu về vàng. Kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào cách nhà đầu tư đánh giá những yếu tố này và phản ứng của thị trường trong các tuần tiếp theo. Vàng, với vai trò là một tài sản trú ẩn an toàn, vẫn sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.