VÀNG VÀ USD CÙNG GIẢM SAU DỮ LIỆU CPI TÍCH CỰC

  • Chia sẻ bài viết:

Chỉ số CPI không hề tăng trong tháng 7, một tín hiệu mang tính đầy tích cực đối với thị trường và tâm lý thị trường trở lại trạng thái tìm kiếm các tài sản rủi ro


Diễn biến thị trường

Chỉ số CPI không tăng trong tháng 7, ghi nhận số liệu thực tế là 0% so với mức dự báo của thị trường là 0,2% là một tín hiệu tích cực với rất nhiều thị trường, đặc biệt là các tài sản rủi ro được hưởng lợi khi đồng USD sụt giảm mạnh. Một loạt các chỉ số chứng khoán đã có nhịp phục hồi, chạm mức cao nhất trong 3 tháng gần đây. Chỉ số S&P 500 ghi nhận mức tăng 2,1%, NASDAQ 100 ghi nhận mức tăng 2,9%. Các chỉ số chứng khoán Châu Á như Kospi, Hang Seng và Shanghai Composite đều ghi nhận mức tăng tốt.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số DXY giảm 1,04% trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mốc 2,78%.

Giá vàng giao ngay đã giảm 0,3% trong phiên giao dịch ngày hôm qua xuống mốc $1.786/oz.

GOLDEN FUND

Con số lạm phát "biết nói"

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ là 8,5% trong tháng Bảy, giảm so với mức 9,1% trong tháng Sáu, mức lớn nhất trong bốn thập kỷ vừa qua. Mặc dù tỷ lệ lạm phát trong tháng Bảy vẫn còn cao và các quan chức FED đã nhanh chóng nhấn mạnh rằng sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa thế nhưng đây là điều đáng hoan nghênh đối với thị trường và thị trường tiếp tục kỳ vọng FED sẽ sớm hạ nhiệt quá trình tăng lãi suất của mình. FED cũng báo hiệu tới các nhà đầu tư rằng nên suy nghĩ lại về kỳ vọng cắt giảm trong năm tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Câu hỏi được đặt ra là liệu sự phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu và các khoản đầu tư rủi ro khác có thể tiếp tục trong bối cảnh đó hay không. Vàng cũng không ngoại lệ.

Carol Kong, chiến lược gia tại Commonwealth Bank of Australia Ltd., cho biết trên Bloomberg Television: “Chúng ta vẫn cần thấy lạm phát cơ bản giảm thêm vài tháng nữa trước khi FOMC có thể bắt đầu suy nghĩ về việc tạm dừng chu kỳ thắt chặt của mình. Thị trường hiện vẫn đang đánh giá mức độ lạm phát của Mỹ và mức độ bền vững của lạm phát trong trung hạn."

Các phát biểu từ FED

Chủ tịch FED tại Minneapolis Neel Kashkari cho biết ông muốn lãi suất chuẩn của FED ở mức 3,9% vào cuối năm nay và 4,4% vào cuối năm 2023.

Đề cập đến việc định giá của thị trường đối với đường lối chính sách của FED, ông Kashkari cho biết sẽ thiếu thực tế khi kết luận sớm rằng FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới, thời điểm mà lạm phát rất có khả năng chưa quay trở lại được mục tiêu 2%.

Người đồng cấp của ông Kashkari tại Chicago, ông Charles Evans cho biết lạm phát vẫn ở mức “cao không thể chấp nhận được” và “chúng tôi sẽ tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay và sang năm sau”.

Các điều kiện tài chính sẽ ra sao ?

Christian Hoffmann, giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Thornburg Investment Management cho biết: “Việc nới lỏng các điều kiện tài chính là điều mà FED không hề mong muốn và chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy các thành viên FED tiếp tục cố gắng kìm hãm thị trường và các tài sản rủi ro”.

Các giao dịch hoán đổi trên thị trường phái sinh lãi suất liên quan đến cuộc họp tháng 9 của FED đã đặt cược mức tăng lãi suất 0,5% trở lại. Một phần quan trọng nữa là đường cong lợi suất trái phiếu Kho bạc vẫn đang trong tình trạng đảo ngược sâu, một tín hiệu mà nhiều người cho là báo hiệu nguy cơ suy thoái.

Giá vàng có thể tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn khi tâm lý thị trường tích cực trở lại và các tài sản rủi ro phục hồi, tuy nhiên trong trung hạn, kỳ vọng về cuộc họp tháng 9 của FED vẫn sẽ là yếu tố dẫn dắt chính đối với đồng USD và giá vàng.


caret-up-solid