Việc đồng USD tăng vọt trong tháng này lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ đã nhận được một sự “hoan nghênh” ngầm tới từ Washington.
Sự "tiếp tay" ngầm của chính quyền tổng thống Biden đối với đồng bạc xanh
Các cuộc điều trần của Quốc hội với các nhà hoạch định chính sách quan trọng bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell hầu như không đề cập đến mức tăng mạnh của đồng bạc xanh, ngay cả khi nó đạt mức cao nhất so với đồng Yên kể từ năm 1998 và mạnh nhất so với đồng Euro kể từ năm 2002.
Ngược lại, những đợt tăng giá của đồng bạc xanh trong quá khứ đã “vấp phải” các động thái của các nhà lập pháp lưỡng đảng. Một ví dụ cụ thể là dự luật giám sát tiền tệ vào năm 2013 và những bình luận phản đối từ chính quyền ngay lập tức, nổi tiếng nhất là khi cựu Tổng thống Donald Trump yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang làm suy yếu tỷ giá hối đoái.
Tỷ lệ lạm phát của Hoa Kỳ tăng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ vừa qua có nghĩa là lần này sẽ khác so với những lần tăng mạnh của đồng USD trước đây. Ngay cả khi các nhà kinh tế nhận thấy sự hỗ trợ hạn chế từ việc tăng tỷ giá hối đoái trong việc kiểm soát giá tiêu dùng nhưng họ phần lớn vẫn tiếp tục ủng hộ đồng nội tệ mạnh. Điều đó có thể tiếp tục cho đến khi nền kinh tế Mỹ chuyển hướng.
“Đó chắc chắn là điều mà chúng tôi đã thảo luận với tổng thống. Ông ấy rất quan tâm đến đồng đô la.” thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein nói trên kênh truyền hình Bloomberg ngày 18 tháng 7. “Khi bạn lo lắng về áp lực lạm phát, một đồng nội tệ mạnh hơn sẽ giúp bạn bằng cách làm cho hàng hóa nhập khẩu của bạn ít tốn kém hơn".
Chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ được đưa ra trong Bộ Tài chính và bà Yellen đã không rõ ràng như một số người khác trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong phát biểu của bà. Nhưng bà đã đạt được một sự đồng tình đáng chú ý khác đối với đồng bạc xanh, khác với những gì bà đã từng khi bà là chủ tịch FED.
Khi còn đương nhiệm ở các vị trí cấp cao của FED, bao gồm cả tư cách là chủ tịch, bà Yellen có xu hướng nhấn mạnh mặt hại đối với tăng trưởng của Mỹ từ việc đồng USD mạnh lên và mặt lợi từ đồng USD suy yếu. Thời điểm hiện tại, khi bà nắm giữ vị trí cao nhất bộ Tài Chính vào năm ngoái, bà đã không áp dụng “chính sách đồng đô la mạnh” mà người tiền nhiệm Robert Rubin đề xướng vào những năm 1990 và được nhiều người kế nhiệm ông lặp lại dù với các mức độ ủng hộ khác nhau.
Yellen cho biết: “Đồng USD mạnh lên là một điều dễ hiểu” khi lãi suất của Mỹ cao hơn thúc đẩy dòng vốn hướng tới đồng bạc xanh.
FED cũng không phải ngoại lệ
Về phần mình, Bộ trưởng bộ Thương mại Gina Raimondo cho biết trên kênh truyền hình Bloomberg vào ngày 11 tháng 7, “Tôi không lo ngại về việc đồng USD mạnh như hiện nay”. Bà nhấn mạnh rằng “lạm phát mới là thách thức của chúng tôi”.
Chủ tịch FED, ông Powell đã thảo luận với các nhà lập pháp vào ngày 22 tháng 6 rằng tỷ giá hối đoái là một trong ba kênh giúp việc tăng lãi suất có tác động đến nền kinh tế. Ông cho biết hai yếu tố còn lại là giá tài sản, chẳng hạn như sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán và chi tiêu nhạy cảm với lãi suất bao gồm cả mua ô tô.
Đồng thời, ông cũng thấy tác động tới từ tỷ giá hối đoái vẫn còn là hạn chế.
Ông cũng đã phát tại biểu hội nghị kinh tế ở Sintra, Bồ Đào Nha vào ngày 29 tháng 6: “Đồng đô la đã mạnh lên mặc dù có xu hướng phi lạm phát, tuy nhiên chỉ ở mức rất thấp."
Các nhà kinh tế từ các tổ chức tư nhân đồng ý rằng tác động lên nền kinh tế là không đáng kể, cho dù thời điểm hiện tại lạm phát đang ở mức 9%. Bloomberg Economics ước tính rằng sự tăng giá của đồng USD kể từ giữa năm 2021 chỉ làm giảm 0,1% chỉ số đo lường lạm phát ưa thích của FED.
Tác động lớn nhất của đà tăng giá này có thể sẽ đến vào năm sau và chỉ khoảng 0,2%. Một trong những thước đo của chỉ số lạm phát yêu thích của FED - chỉ số giá chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân PCE, hiện đang ở mức 6,3%, gần mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980.
Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại Ernst & Young LLP cho biết rằng đà tăng giá của các hàng hóa nhập khẩu đã điều chỉnh giảm trong những tháng gần đây do đồng USD tăng giá, nhưng điều đó không đồng nghĩa là tác động lên giá cả tiêu dùng sẽ lớn như vậy.
“Sự mạnh lên của đồng USD là một điều tốt. Đây thực chất không phải là một yếu tố thay đổi cuộc chơi từ nếu xét từ góc độ lạm phát trong môi trường kinh tế hiện tại.” Daco nói. “Nhưng nó ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu ở một mức độ nào đó.”
Hiện tại, ít nhất là điều đó chưa xảy ra. Thâm hụt thương mại của Mỹ thu hẹp xuống mức thấp nhất trong năm nay trong báo cáo hàng tháng mới nhất, phản ánh sự gia tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Michael Gapen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu nền kinh tế Hoa Kỳ tại Bank of America Corp cho biết: “Đó là chỉ một lực cản nhỏ đối với tăng trưởng kinh tế."
“Quan điểm của Washington có thể thay đổi nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái.” Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Nomura Holdings Inc cho biết.
“Rủi ro là nếu đồng bạc xanh vẫn tiếp tục mạnh lên, nó sẽ bắt đầu gây hại nhiều hơn là có lợi,” Subbaraman nói. Điều đó "có thể làm gia tăng lo ngại ở Mỹ rằng vai trò của đồng USD như đồng tiền dự trữ của thế giới có thể không còn phục vụ cho lợi ích của nền kinh tế Mỹ".
“Liệu đồng USD tăng mạnh trong năm qua có làm giảm khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang? Hóa ra, không hẳn vậy. Hiệu ứng giảm phát là quá nhỏ so với mức độ của lạm phát của FED và việc cứu trợ nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái có thể sẽ đến muộn.” Anna Wong, nhà kinh tế trưởng tại Bloomberg Economic bình luận. VIệc FED và cả chính quyền tổng thống Biden vẫn đang “tiếp tay” cho một đồng USD mạnh có thể sẽ tiếp tục khiến cho đồng USD tăng giá và gây áp lực đối với các tài sản rủi ro khác. Vàng cũng sẽ không phải ngoại lệ khi đây là tài sản rất nhạy cảm với các quyết định lãi suất từ FED. Tuy nhiên, như các nhà kinh tế đã cảnh báo, việc đồng USD mạnh lên sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi đối với nền kinh tế Mỹ và đem lại nguy cơ suy thoái lớn hơn. Nếu FED không có những hành động nhanh chóng nhằm kiểm soát đà tăng giá này theo hướng có lợi, rất có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để khắc phục suy thoái. Một điều chúng ta đã thấy trong năm nay chính là từ sự lâu bền của lạm phát do hành động chậm trễ tới từ FED trong năm ngoái.