Giá vàng ổn định sau đợt giảm mạnh nhất trong một tháng vừa qua do các nhà đầu tư đổ xô vào đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái ngày càng tăng.
Số liệu sản xuất kém khả quan
Giá vàng đã giảm trở lại sau 4 tuần tăng giá mạnh khi đồng bạc xanh phục hồi. Những dữ liệu kinh tế mới nhất của Mỹ cho thấy những ngành sản xuất đang suy yếu nhanh chóng và tâm lý thị trường đối với nhóm ngành xây dựng giảm sút, điều này làm tăng thêm lo ngại về rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu sau những số liệu kinh tế kém khả quan tới từ Trung Quốc.
FED sẽ khó xoay trục chính sách như thị trường kỳ vọng
Sự suy yếu của nền kinh tế ở Trung Quốc đã khiến ngân hàng trung ương của quốc gia này thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất bất ngờ trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn đang trong tiến trình thắt chặt chính sách chống lạm phát. Điều này làm tăng sức hấp dẫn của đồng USD vừa làm giảm sức hút của tài sản phi lợi suất như vàng. Tỷ lệ nắm giữ vàng trên toàn thế giới trong các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng đã giảm trong suốt chín tuần qua.
Những động thái tiếp theo của vàng có thể cần phải dựa trên biên bản cuộc họp tháng 7 của FED được công bố vào thứ Tư tới đây và có thể cung cấp những manh mối về quy mô của đợt tăng lãi suất tiếp theo. Trước khi công bố biên bản, nhà kinh tế Nouriel Roubini cảnh báo rằng các thị trường đang mong đợi một sự xoay chuyển và việc FED cắt giảm lãi suất vào năm 2023 là “một sự ảo tưởng”.
Giá vàng giao ngay ít thay đổi, giao dịch quanh mức $1.778,95/oz vào lúc 8:44 sáng theo giờ Singapore sau khi giảm 1,3% vào thứ Hai, mức giảm cao nhất kể từ ngày 14 tháng 7. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index ổn định sau khi tăng 0,7% trong phiên trước. Bạc, bạch kim và palladium cũng đều giảm.
Biên bản của cuộc họp FOMC sẽ là tâm điểm của tuần này và đưa ra những tín hiệu kế tiếp về những hành động của FED về lãi suất, yếu tố ảnh hưởng tới vàng (vàng vật chất) mạnh nhất trong giai đoạn hiện tại.